Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ hoặc Hán-Nôm:

Phần giải nghĩa chuẩn đối
bợ 把
◎ Phiên khác: bẻ cây = tỉa cây (ĐDA), bả cây: dựa vào cây (Schneider), bả cây: chăm nom (PL). Nay theo TVG, BVN.
đgt. <từ cổ> “nâng phía dưới mà đỡ lên. bợ lấy: chịu lấy, nâng lên” [Paulus của 1895: 9], dấu tích còn trong từ bợ đỡ (bợ = đỡ, sau mới có nghĩa phái sinh là trỏ những kẻ hay đi hầu hạ phục dịch để lấy lòng người khác). ở đây trỏ việc nâng niu chiêm ngưỡng bông hoa. Xét, muốn “hớp nguyệt” thì phải “nghiêng chén”, cũng vậy muốn “xem hoa” thì phải “bợ cây”, như vậy là chuẩn đối, các hành động đều hướng về một đối tượng. Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén, ngày vắng xem hoa bợ cây. (Ngôn chí 11.4).
chừ 時
◎ Nôm: 諸 Đọc âm THV. Mối quan hệ ch- (THV) ~ th- (AHV), x. chua. Nguyên chữ thì nghĩa là “thời giờ”, lưu tích còn trong bây chừ (= bây giờ). Sau, thì được hư hoá, (như thời, thì), cũng như vậy, chừ đã được hư hoá khá sớm. Phiên khác: chữ (ĐDA), chưa (BVN), chờ (TVG, MQL). PL (2012: 223) phiên “chừ” với nghĩa “giờ, thời điểm đang nói (Génibrel 1898). chừ rắp để bình: giờ sắp sửa cho vào bình”.
p. <từ cổ> từ đệm giữa câu, thường dùng để dịch chữ “hề” trong phú cổ. Cành khô gấp bấy nay nên củi, hột chín phơi chừ rắp để bình. (Bảo kính 151.4). Chữ “chừ” chuẩn đối với “bấy”, đều là hai hư từ, làm từ nước ở giữa câu.
cướp 劫 / 刼
AHV: kiếp. Sách Hán Thư phần Lý quảng - tô kiến truyện có câu: “âm mưu cướp lấy đơn từ mẹ ” (謀劫單于母). Phiên khác: kiếp (TVG, ĐDA, BVN, MQL, PL). Nay theo Trần Lê Văn (1989).
đgt. đoạt mất. Cướp thiếu niên đi, thương đến tuổi, ốc dương hoà lại, ngõ dừng chân. (Vãn xuân 195.3). Chữ “cướp” động từ chuẩn đối với “ốc”. “ngày tháng trôi đi vùn vụt, cướp mất tuổi trẻ của ta, khiến ta tiếc thương tuổi tác của mình. Chữ cướp mạnh biết bao! gợi cảm giác bàng hoàng nuối tiếc biết bao! ngót bốn thế kỷ sau, Nguyễn Du cũng có tâm trạng tương tự. Trong thơ chữ Hán tạp thi (bài I), Nguyễn Du viết: “cái thú thưởng thức lan mùa xuân, cúc mùa thu thành chuyện hão. Thấm thoát đông rét hè nóng cướp mất tuổi trẻ của ta” (xuân lan thu cúc thành hư sự, hạ thử đông hàn đoạt thiếu niên)… hai câu thơ đi sóng đôi với nhau, bổ sung cho nhau, tạo nên ý sâu, tứ lạ. Ngày nay đọc lại, chúng ta vẫn thấy thơ ấy tân kỳ: “ngày tháng trôi đi vùn vụt, cướp mất tuổi trẻ của ta, khiến ta tiếc thương tuổi tác của mình. (vì vậy) ta muốn gọi hơi ấm mùa xuân trở lại để ta được dừng chân một chút trên dòng chảy của thời gian.” [Trần Lê Văn 1989: 29].
dại ngây 曵𣦍
◎ Phiên khác: dại ngay: dại dột và ngay thẳng (BVN, MQL, PL). Nay theo (ĐDA, Schneider). Xét, chữ 𣦍 đúng là “ngay” (thẳng), được dùng làm chữ giả tá để ghi âm “ngây”. Xét, “dại ngây” chuẩn đối với “tài lọn”.
tt. ngốc, dại. “dại ngây. id” [Taberd 1838: 99]. Tài lọn, công danh hợp mọi bề, dại ngây nên thiếu kẻ khen chê. (Bảo kính 141.2).
già 𫅷
◎ {trà 茶+ lão 老}. Chữ Nôm luôn dùng 茶 để ghi âm. Ss đối ứng jà, già [Rhodes 1651 tb1994], “lão nhân: người trà”, (老人酢委) [Hoa Di Dịch Ngữ thế kỷ XVI: c. 414], ksà (tiếng Mường: la gián, Vân Mộng), sã, tsã (thu pháp), sa (nguồn), cha (Mon), chăs (Khmer) [Gaston 1967: 141], kʼa (20 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 222]. Kiểu tái lập: *kca². Xét, “già” (với *kc-) chuẩn đối với “trẻ” (*tl-), “gặp” (*?g-), “cũ” (*kl-), “vụng” (*tb-), “dấu” (*kd-).
tt. trái với trẻ. Quân tử hãy lăm bền chí cũ, chẳng âu ngặt chẳng âu già. (Ngôn chí 18.8)‖ (Thuật hứng 53.6, 54.6, 61.1)‖ (Tự thán 78.6, 80.2, 86.2, 94.4, 98.6, 104.5, 110.7)‖ (Tự thuật 114.1, 115.2)‖ (Bảo kính 163.4, 180.1, 182.5, 182.8, 185.5)‖ (Giới sắc 190.1)‖ (Mai 214.5).
tt. <từ cổ> lâu, thường đứng trước động từ làm trạng ngữ. Già chơi dầu có của no dùng, chén rượu câu thơ ấy hứng nồng. (Thuật hứng 61.1)‖ Lâm tuyền ai rặng già làm khách, tài đống lương cao ắt cả dùng. (Tùng 218.3).
tt. lâu, kỹ. Già trui thép cho nên mẻ, bể nồi hương bởi ngã bàn. (Bảo kính 185.5). Nay chuyển sang làm tính từ trong cụm thép già >< thép non.
giá 這
◎ Ss đối ứng ca⁵, ca³ (23 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 262]. Ngữ tố xuất hiện trong câu thơ sáu chữ. Kiểu tái lập cho thế kỷ XV: *kca⁵. Xét, giá (*kc-) chuẩn đối với “già” (*kc-) và “trăng” (*bl-). Với vị trí 134.3, chứng tỏ thế kỷ XV đã có song thức ngữ âm.
tt. lạnh. Càng khuở già càng cốt cách, một phen giá một tinh thần. (mai 214.6).
dt. sương đóng váng mỏng. Đường tuyết thông còn Giá in, đã sai én ngọc lại, cho dìn. (Tảo xuân 193.1) . x. lạnh.
dt. băng tuyết, dùng để dịch chữ “băng”. Cửa sày, giá nhơn nhơn lạnh, lòng bạn, trăng vặc vặc cao. (Bảo kính 167.5).
giãi 豸
◎ (trãi, trĩ). Ngữ tố này đều xuất hiện trong câu thơ sáu chữ. Kiểu tái lập: *?jaj⁴ (*a- giãi). Xét “giãi” (với *?j-) chuẩn đối với “treo” (với *kl-) và “trầm” (*tr-). Về *?j-, xin tham khảo HT Ngọ (1999: 58, 61, 111, 114, 115) và Shimizu Masaaki (2002: 768).
đgt. <từ cổ> phơi ra, trải ra. Tuyết sóc treo, cây điểm phấn, quỹ đông giãi nguyệt in câu. (Ngôn chí 14.4, 21.3)‖ Hang thỏ trầm tăm Hải Nhược, nhà giao giãi bóng thiềm cung. (Thuỷ thiên nhất sắc 213.4).
gày 𤷍
◎ Kiểu tái lập: *?gaj² (*a- gày). ở vị trí 1.4, ngữ tố này chuẩn đối với “trốn”, cả hai có thể đều được song tiết hoá thành “*a- gày” và “*tơ- rốn”. ở vị trí 15.2 thì câu thơ đã đủ bảy chữ. Chứng tỏ giai đoạn thế kỷ XV, đã có song thức ngữ âm. Thế kỷ XII, ngữ tố này được ghi bằng chữ Nôm e1 阿計 [Phật Thuyết: 21a9; xem HT Ngọ 1999: 58, 61, 111, 114, 115; Shimizu Masaaki 2002: 768].
tt. trái với béo. (Thủ vĩ ngâm 1.4)‖ Bề sáu mươi dư tám chín thu, lưng gày da sảy, tướng lù cù. (Ngôn chí 15.2).
gánh 扛
◎ Nôm: 梗 âm phiên thiết: giang, AHV: công, ABK: káng. gồng trong gồng gánh, ghính, cáng trong cáng đáng, công trong công kênh. Âm HTC: *kruŋ (Lý Phương Quế), *kroŋ (Baxter). Kiểu tái lập ở thế kỷ XV: ?gaɲ⁵ (*a-gánh), có khả năng được song tiết hoá thành *a- gánh, chuẩn đối với *cơ- lui (*klui¹). Về *?g- xin xem HT Ngọ (1999: 58, 61, 111, 114, 115), Shimizu Masaaki (2002: 768). Ss đối ứng tam, dam (21 thổ ngữ), tliəŋ (3 thổ ngữ) [NV Tài 2005: 220]. Như vậy, “gánh” gốc Hán, “đem”/ “đam” gốc Việt-Mường. Hình thái có tl- có khả năng gốc Nam Á.
đgt. đảm đương. Gánh, khôn đương quyền tướng phủ; lui, ngõ được đất Nho thần. (Trần tình 37.3).
gạch 甓
◎ 󰍮, tục tự của bích 甓 (gạch), là chữ Nôm đọc nghĩa, chữ này đồng nguyên với bích 壁 (vách: cái xây bằng gạch). Kiểu tái lập: ?gak⁶ (a- gạch). Về ?g- [xem HT Ngọ 1999: 58, 61, 111, 114, 115]. Shimizu Masaaki cho rằng các ví dụ gày, gõ thuộc cấu trúc song âm tiết [2002: 768]. “gạch” (với *?g-) chuẩn đối với “sừng” (với *kr-) và đều được song tiết hoá.
dt. viên đất nung dùng để xây nhà. Gạch khoảng nào bày với ngọc, sừng hằng những mọc qua tai. (Tự thán 92.3). Các bản khác đều phiên “gạch quẳng”, cho là điển “phao chuyên dẫn ngọc 拋磚引玉 (ném gạch ra để dẫn dụ ngọc đến) để nói về chuyện làm thơ [cụ thể xem TT Dương 2013c]. ở đây phiên “gạch khoảng nào bày với ngọc” dẫn điển 瓦玉集糅 (ngoã ngọc tập nhu) tương đương với thành ngữ “vàng thau lẫn lộn” trong tiếng Việt. Vương Sung đời Hán trong sách Luận Hành viết: “Hư vọng lại mạnh hơn chân thực, quả là loạn trong đời loạn, người chẳng biết đâu phải đâu trái, chẳng phân biệt màu đỏ màu tía, chung chạ bừa bãi, gạch ngói chất bừa, ta lấy tâm ta mà nói về những chuyện đó, há lòng ta có thể chịu được chăng?’” (虛妄顯於真實誠亂於偽世人不悟是非不定紫朱雜厠瓦玉集糅以情言之豈吾心所能忍哉). Nguyễn Trãi đã dùng thành ngữ này để đối với một thành ngữ khác ở câu dưới là “sừng mọc quá tai”, thành ngữ sau là một thành ngữ thuần Việt, gần nghĩa như câu hậu sinh khả úy. x. khoảng.
gấm 錦
◎ Đọc âm HHV. AHV: cẩm. Xuất hiện trong câu thơ có sáu chữ. Kiểu tái lập: *?gam⁵. gấm (*?g-) chuẩn đối với mây (*km-), dưa (*kd-).
dt. lụa vải thêu hoa văn đẹp (Thuật hứng 56.6, 67.6)‖ Muối miễn dưa dầu đủ bữa, thao cùng gấm mặc chưng đời. (Tự thán 104.4).
mách 𠰌
AHV: mạt. Phiên khác: mùi (ĐDA) vì cho là chữ 味.
đgt. <từ cổ> bảo, nói, “mách: postica criminatio. Mách miệng: renuntiare. Mách bảo. id. đôi mách: delationes discutere” [Taberd 1838: 291]. qng. ngồi lê đôi mách. Mách lẻo. Kể ngày con nước toan triều rặc, mách chúng thằng chài chác cá tươi. (Tự thán 76.4), chữ “mách” (động từ) đối với chữ “kể” (động từ), chuẩn đối. “bài thơ phát ngôn thái độ sống của ẩn sĩ như đoạn tuyệt với cung đình. Khi tại thế thường phải lo lắng rằng mình sống không giống với thói tục của những người xung quanh. Về đến đây rồi thì thôi đã hết tiếng chê cười đàm tiếu. Muốn biết ngày thì tính toan theo con nước triều rặc. Muốn ẩm thực dân dã thì mua chác cá tươi của thằng chài…” [NH Vĩ 2010].
múa 舞
◎ Nôm: 布 AHV: vũ. Ss đối ứng muə (28 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 243]. Tương ứng -ua (THV) -u (AHV): (goá-) bụa (quả-) phụ 婦, bua (-việc) (công) phu 夫, búa phủ 斧, bùa phù 符, mùa vụ 務, (chợ-) búa phố 舖 [An Chi 2005 t2: 70]. Phiên khác: bó: tha hồ có trúc đó, boa mấy thì bó (PL, Schneider), bủa (BVN). Nay theo TVG, MQL.
đgt. chuyển động theo một tiết tấu nhịp điệu nhất định, múa: đọc theo âm THV. Củi hái, mây dầu trúc múa, cầm đưa, gió mặc thông đàn. (Tự thán 95.3). Xét, chữ “múa” chuẩn đối với chữ “đàn”.
nen 年
nen vốn có nguyên từ là nêm. Tương ứng chung âm -m và -n. Giống như: 梵 phạn- phạm, hay 年 năm- niên, như niêm sau [TH Thung 1998: 166], chản (chẵn) = chảmba ngày chảm: trọn vẹn ba ngày.” [Rhodes 1651 tb1994: 56]. nêm là cái để chêm đồ cho chặt. ngựa xe như nước áo quần như nêm kiều. Sau danh từ chuyển loại thành động từ, như cách nói nêm cối, nêm cuốc. Rồi có nghĩa dẫn thân là ”cho thêm gia vị vào”, như đã buồn lại gió thổi thêm, đã chua như giấm lại nêm sơn trà. cd
đgt. <từ cổ> ken dày, mọc đặc, Phng. Nghệ An: ”nen: chen, chèn. ví dụ phải nen cho chặt. có nơi nói là nèn”. [TH Thung 1998: 165], ”nen. N: nén, lèn, chèn, nêm cho chặt: nen lại cho chặt” [NN Ý 2001: 365]. Chim đỗ tổ dìn còn biết mặt, hoa nen rừng thấy hoà hay danh. (Tức sự 123.4). Chữ “nen” (động từ) chuẩn đối với chữ “đỗ” (động từ). TVG, phiên “trên”, ĐDA phiên “nên”, Schneider, PL phiên “niền” (ven) và dẫn Génibrel 1898, Paulus của 1895m Béhaine 1773 là “niền = vành”.
ngủ 俉 / 𪟳 / 午
◎ Phiên khác: ngỏ: để ngỏ cửa toang hoang (ĐDA), ngỏ (BVN), ngõ (MQL). Xét, “ngõ” (danh từ) không đối với “say” (động từ). Ngỏ (mở) không hợp nghĩa với “tênh hênh”, vả lại “tênh hênh” cũng không có nghĩa “toang hoang” như ĐDA đã nêu. Chỉ có “ngủ tênh hênh” mới làm rõ trạng thái tự do, thoải mái của chủ thể , “ngủ tênh hênh” chuẩn đối với “say lểu thểu”. Nay theo TVG, Schneider, VVK, PL. Với chữ Nôm 𪟳 { 个 + ngọ 午}, nhẫn Gaston tái lập là *kngủ [1967: 46; xem TT Dương 2012a]. Ss đối ứng ŋu (3 thổ ngữ Mường), tăj, dăj (26 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 250].
đgt. trái với thức. (Trần tình 42.5)‖ Ngủ tênh hênh, nằm cửa trúc, say lểu thểu, đứng đường thông. (Thuật hứng 61.3)‖ (Tự thán 110.1).
nhẻ 你
◎ Phiên khác: nhẹ (TVG, ĐDA, VVK, BVN), nể (Schneider), nệ: e ngại (PL), né (TT Dương, NH Vĩ 2011). Nay theo MQL.
đgt. <từ cổ> đầy, lắm, “nhe nhẻ: Plein, rempli de” [Génibrel 1898], “nhẻ” (đầy) chuẩn đối với “no” (đủ) [MQL 2001: 823]. Xét “nhe nhẻ” là dạng hậu kỳ của láy toàn phần “nhẻ nhẻ”, suy ra từ gốc là “nhẻ”, với cứ liệu này, “nhẻ” ở thế kỷ 15 vẫn được dùng độc lập Như vậy, nhẻ là từ gốc Việt. Chông gai nhẻ đường danh lợi, mặn lạt no mùi thế tình. (Tự thán 80.3).
nên chăng 𢧚庄
đgt. khng.. Nên hay không nên, thành hay không thành, dịch chữ thành bại 成敗, chuẩn đối với “thua được”. Thua được toan chi cơ Hán Sở, nên chăng đành lẽ kiện Thương Chu. (Thuật hứng 58.4). Vũ Vương nhà Chu đánh vua trụ nhà Thương giành lấy thiên hạ, ý nói việc nhà Chu thành nhà Thương bại đều là lẽ trời [TVG,1956: 68].
nề 泥
◎ Nôm: 尼 Đọc âm THV. AHV: nê, nệ.
tt. <từ cổ> “câu chấp, quan ngại, lấy làm khó” [Paulus của 1895: 74], lưu tích còn trong từ nề hà. “ở chớ nề hay” học cổ nhân, lánh mình cho khỏi áng phong trần (Mạn thuật 29.1).
đgt. tt. lưu tích còn trong từ câu nệ, nệ cổ. Rừng thiền ắt thấy, nên đầm ấm. Đường thế nào nề, chẳng thấp cao (Thuật hứng 47.6). Xét chữ “nào nề” chuẩn đối với “ắt thấy”. Xét, một số bản phiên “nơi” là do chữ Nôm viết 尼.
suốt 律
◎ Kiểu tái lập: *kruot⁵ [TT Dương 2013b], chuẩn đối với blọn (trọn).
dt. cả, trỏ sự việc diễn ra không nghỉ trong quãng thời gian dài. Lọn khuở đông, hằng nhờ bếp, suốt mùa hè, kẻo đắp chăn. (Trần tình 38.4).
sào 篙
◎ Nôm: 高 Văn bia Cổ Việt thôn Diên Phúc tự bi ký khắc năm 1157 ghi “nhị bán cao” nghĩa là “hai sào rưỡi” [văn bia thời lý 2010]. Phiên khác: cao (TVG, ĐDA, Schneider, VVK, BVN, MQL, NTN, PL). TV Giáp còn đề xuất cách hiểu “cao” viết nhầm từ “膏” nghĩa là “mỡ tức là mực, ý nói con trâu ở trong cái nghiên mực, được bồi dưỡng nhiều về chất béo của văn chương” (1956: 180). Xét, “sào văn” chuẩn đối với “ruộng thánh”. Nay đề xuất. Ss đối ứng k’aw (20 thổ ngữ Mường), ʂaw (5), t’aw (1), p’aw (1) [NV Tài 2005: 266].
dt. đơn vị đo lường ruộng đất thời xưa, mười sào bằng một mẫu. Nguyên nghĩa là “đồ đo ruộng có 15 thước mộc” sau dùng “sào mẫu, sào đất, sào ruộng” [Paulus của 1895: 903]. Về văn tự, “sào” có chính tự là 篙 (cây sào). Như vậy, có thể xác định, “sào” (cây gậy để đo) là một từ gốc Hán, cho nên “sào” (đơn vị đo lường) là một từ gốc Hán Việt dụng. Về ngữ âm, AHV có thuỷ âm k-, âm nôm có thuỷ âm s-, có thể tái lập ngữ âm là *krao². Quá trình biến âm từ Hán sang Việt sẽ là cao > *krao² > sào. Âm s- bắt đầu từ thế kỷ XVI về sau. Khoẻ cày ruộng thánh đà nhiều khóm, được dưỡng sào văn vô số phần. (Nghiễn trung ngưu 254.6).
sân 𡑝
◎ (thanh phù lân 粦). Dùng l- ghi ʂ-. So sánh với đối ứng sương, ksenh (Thạch Bi), khương (Mẫn Đức) của tiếng Mường, và các đối ứng trong một số ngôn ngữ bảo thủ như suon (Pọng), suôn (Laotien), sôn (Thái), thuun, suơn (chàm), suon (Khmer) [Gaston 1967: 152]. Kiểu tái lập: *kran¹. [TT Dương 2013b]. Xét, *klân chuẩn đối với *tláu (tráu: rào) ở câu thơ trên.
dt. khoảng không gian trống trước hoặc sau nhà. Tráu cúc thu vàng nảy lác, sân mai tuyết bạc che đều. (Bảo kính 164.4).
thao 縧 / 縚 / 絛
◎ Nôm: 絩 Phiên khác: thêu (ĐDA, Schneider, VVK, PL), nhiễu (TVG, BVN, MQL). Xét chữ Nôm là chữ tự tạo 絩, mà 兆 có AHV là “triệu” không có phiên án phương âm nào khả dĩ, vì vậy “兆” là cách viết tắt của thanh phù 洮 có AHV là “thao”. thêu là động từ, thao là danh từ (dây thao, nón quai thao, đánh thao), điều là danh từ (chiếu cạp điều). Chỉ có “thao” (danh từ) mới chuẩn đối với “muối” cũng như “dưa”, “gấm”. Nay cải chính. Về Từ Nguyên, “thao” là từ gốc Hán với ba tự dạng đã nêu. Sách Ngọc Thiên ghi: “Thao: dây gấm” (纓飾), sách Quảng Vận ghi: “Bện tơ thừng” (編絲繩), sách Chu Lễ có lời chú: “thao đọc như chữ 絛”, tết dải mũ, đều lấy tơ để trang sức” (條,讀爲絛。其樊及纓,皆以絛絲飾之). Chuỗi đồng nguyên: thao - điều - thêu.
dt. dây dệt từ tơ lụa có hoa văn đẹp. Muối miễn dưa dầu đủ bữa, thao cùng gấm mặc chưng đời. (Tự thán 104.4).
trộm 濫 / 𬈋
AHV: lạm (濫), âm HTC là *g-rams (Baxter). lạm nghĩa gốc là “nước nhiều quá mà tràn ra”, sau có nghĩa dẫn thân là “quá mức, quá độ” như trong từ lạm phát, lưu tích còn thấy trong từ mồ hôi trộm (mồ hôi ra nhiều quá mức); một nghĩa dẫn thân nữa là “làm càn, làm bừa bãi”. lạm còn làm trạng từ, như trong các cụm lạm bàn, lạm phát. Cuối cùng, với âm trộm, trỏ việc “lấy của người một cách phi pháp”, trong ăn trộm, kẻ trộm, liếc trộm,… thế kỷ XVII, có tlộm, hỏi tlộm, lạy tlộm, ăn tlộm [Rhodes 1651 tb1994: 232]. Như thế *tlộm là âm Việt hoá vào thế kỷ XV-XVII, sau thế kỷ XVII mới cho một âm Việt hoá khác là trộm. kiểu tái lập: *tlam⁶ [TT Dương 2012c]. Trộm: tt. khinh suất, tuỳ tiện, bừa bãi. AHV: lạm. Ss đối ứng lom (19 thổ ngữ Mường), țom (2) [NV Tài 2005: 283].
đgt. lén lấy đi. Phương Sóc lân la đã hở cơ, ba phen trộm được há tình cờ. (Đào hoa thi 232.2)‖ (Miêu 251.2).
đgt. thầm. Non lạ nước thanh trộm dấu, đất phàm cõi tục cách xa. (Thuật hứng 54.3). Phiên khác: làm náu: nương náu (TVG, BVN), làm dấu (MQL), làm dấu: câu 3 ý nói “không được vẽ tượng ở Kỳ Lân Các thì ta cũng được để dấu vết lại ở chỗ non lạ nước thanh” (PL 2012: 109). Xét, “trộm dấu” chuẩn đối với “cách xa”.
trở 呂
◎ Thanh phù: lã. Kiểu tái lập: *blở [TT Dương 2013b]. Bahnar: blơ [Schneider 1987: 374]. “blở: quay, quẹo, trở. blở lại: quay lại, trở lại. blở đi blở lại: trở đi và trở lại. blở làõ: thay đổi ý định tốt. blở làõ nguỵ: làm loạn, đào ngũ, làm sự bất trung. blở mạt lại: quay mặt lại ai”. [Rhodes 1651 tb1994: 40]. “blo di blo lai: ire et redire; vide blan blo” [Morrone 1838: 201]. Phiên khác: lỡ (TVG, BVN, MQL, PL), lỡ: để cho dịp tốt qua mất đi (PL). Nay đề xuất cách phiên “trở”.
đgt. <từ cổ> quay về, trong trở gót. Công danh trở đường vô sự, non nước ghé chốn hữu tình. (Tự thán 86.5). Ý nói, về chuyện công danh thì ta đã trở gót quay về đường “vô sự”, tức ở ẩn; trong non nước kia ta ghé thăm những chốn hữu tình. “trở” (động từ) chuẩn đối với “ghé” (động từ).
tác 索
◎ Phiên khác: sách: yêu sách, đòi hỏi (TVG).
tt. <từ cổ> một mình, lẻ loi. Nguyễn Trãi trong bài Mạn thành có câu: “tính lười xưa nay thích ở một mình” (懶性從來愛索居 lãn tính tòng lai ái tác cư). Tác ngâm: bạc dẫy mai trong tuyết, đối uống: vàng đầy cúc khuở sương. (Bảo kính 157.5, 159.3). “tác ngâm” chuẩn đối với “đối uống”. Ý nói: một mình ngâm câu thơ về vẻ đẹp của hoa mai trắng trong tuyết trắng; cùng uống rượu với ánh hoa cúc vàng trong sương mùa thu. Chữ “đối uống” có thể hiểu hai cách: uống với hoa cúc; cùng với bạn uống rượu hoa cúc.
vách 壁
◎ Đọc âm HHV. AHV: bích. Âm HTC: *pek [Baxter 1992: 188]. Gaston khi nghiên cứu QATT tái lập *kbék [1967: 132]. *kbék chuẩn đối với *kren. Nguyễn Trãi đã dùng CCVC để đối với CCVC trong một liên đối. Kiểu tái lập: *tbɛk⁵. [TT Dương 2012c].
dt. các bức tường trong ngôi nhà. Tranh giăng vách nài chi bức, đình thưởng sen nừng có căn. (Tự thán 110.3)‖ (Bảo kính 163.5).
xuýt uẩy 綴隘
AHV: xuyết ải. Phiên khác: chút ngại (TVG), chút oải: mệt mỏi (BVN). Phiên “chút” tuy nghe dễ hiểu nhưng không chuẩn đối với từ song tiết “mày nề”. Xuýt ải: phàn nàn (MQL, PL).
đgt. <từ cổ> than vãn, “xuýt” lưu tích còn trong “xuýt xoa,” [ĐDA], “uẩy” là từ cảm thán như “ui, ôi, ủa”. Ai biết bồng doanh chăng tá, uẩy thuyền đâu chiếc lá xa xaPhạm Thái. 1804. Sơ Kính Tân Trang c. 520. uẩy đâu sự mới nực cười, chẳng hay con tạo trêu ngươi cớ gì? (Phạm Thái. 1804. Sơ Kính Tân Trang c. 582). Đòi khuở khó khăn chăng xuýt uẩy, thấy nơi xao xác đã mày nề. (Tự thán 79.5).
xả 舍
◎ Phiên khác: tua sá, tua xá (TVG, BVN, Schneider, VVK, MQL, NTN, PL). Nay đề xuất.
đgt. <từ cổ> bỏ, buông bỏ, không giữ lại. Tua xả khoan khoan, lòng thế ít, chớ màng cạy cạy, khiến lòng phiền. (Bảo kính 186.3), chữ “xả” (bỏ) động từ, chuẩn đối với “màng” (mong) động từ. Ý nói: hãy nên bỏ dần dần của cải để cái lòng trần tục cho vơi nhẹ dần đi, chớ có mong cầu lợi lộc riết róng chỉ khiến lòng thêm phiền não.
điện 奠
◎ Nôm: 殿
đgt. <từ cổ> xếp đặt cho ổn định, chữ “điện bắc” (động từ) chuẩn đối với “vệ nam” (động từ). Kinh Thư ghi: “Đặt núi cao sông lớn” (奠高山大川). Vệ nam mãi mãi ra tay thước, điện bắc đà đà yên phận tiên. (Bảo kính 183.6). Câu này ý nói: bảo vệ đất nam mãi mãi lo toan, an định phương bắc cũng đã an lòng tiên đế (hiện tượng đảo trang).
đến chốn 典准
dt. <từ cổ> mọi nơi, dịch chữ đáo xứ (到處). Thân nhàn đến chốn dầu tự tại, xuân muộn nào hoa chẳng rụng rời. (Thuật hứng 59.6). “đến chốn” (mọi nơi) chuẩn đối với “nào hoa” (tất cả các loài hoa).
lác 落
◎ (lạc). Kiểu tái lập: mlác, ml- > nh- cho âm nhác (trong nhác trông), ml- > l- cho âm lác, đọc trại thành liếc. Tày: léc (thoáng nhìn, liếc nhìn) [HTA 2003: 287]. Phiên khác: lác: lác đác (TVG, ĐDA, MQL, NTN), lạc: rụng (BVN, Schneider). Nay theo NH Vĩ (2011b: 324- 326). nhác, liếc.
đgt. <từ cổ> nhìn, ngắm, chuẩn đối với chữ vào (động từ) ở câu dưới. Khách đến, vườn còn hoa lác, Thơ nên, cửa thấy nguyệt vào. (Mạn thuật 35.5).
nhặt 抇
◎ (bản B), bản A viết nhầm 日thành viết 日và đảo vị trí. Các cách phiên chú là vắt. “Trung, viết (hoặc nhật) mà phiên trong vắt thì hầu như trái với tiền lệ, ít nhất là trái với các mã chữ trong văn bản này. Vắt hoặc vít hoặc vất trong văn bản này được viết với mã勿; Trong ở các văn bản Nôm khác thường được viết với mã冲 ,沖, 𤁘. Bất ổn thứ hai là vi phạm luật đối giữa hai câu. Không thể nào thiết lập luật đối giữa Cổi tục trà thường pha nước tuyết với Tìm thanh trong vắt tịn trà mai được. Dù có thay tận bằng tiễn, tịn, tiển hay tạn cũng vậy thôi. Thứ ba là cấu tạo cụm từ bị xô lệch, có nghĩa câu thơ không biết ngắt nhịp ở chữ nào để lọn nghĩa và được nghiêm đối. Nói chung đó không thể là câu thơ của ức Trai được. Còn câu ở bản B thì khác hẳn : Lọn nghĩa, chuẩn đối, tinh tế và tươi tắn đến thích thú như rất nhiều ý thơ vốn có của ông : Cổi tục | trà thường pha nước tuyết, Tìm thanh | khăn tận nhặt chè mai. (𱪈俗茶常坡渃雪,尋清巾羨抇茶梅)... Câu thơ súc tích mà mạch lạc thì lọn nghĩa. Động từ đối động từ, tính từ đối tính từ, danh từ đối danh từ, hư từ đối hư từ một cách sóng sít thì là chuẩn đối. Một hành vi lao động cụ thể, khá đặc biệt của cư sĩ được thi vị hoá qua ngôn ngữ thơ thì đó là tinh tế. Đặt trong văn hoá lao động thôn dân ta thấy ý thơ muôn phần tươi tắn. Thơ Nguyễn Trãi thường thú vị chúng ta là vì vậy”. [NH Vĩ 2010].
đgt. cầm lên. Cổi tục, chè thường pha nước tuyết, Tìm thanh, khăn tịn nhặt chà mai. (Ngôn chí 2.4).
vàng 黃
◎ Nôm: 黄, 鐄
dt. màu vàng. (Thuật hứng 49.8)‖ Tiền sen tích để bao nhiêu thúng, Vàng cúc đam cho biết mấy bình. (Tự thán 83.4): vàng cúc có ý nước đôi, vừa là màu vàng hoa cúc, vừa ý nói cái phẩm chất ưu trội của hoa cúc quý như vàng, chuẩn đối với chữ tiền sen‖ (Bảo kính 129.4, 157.6, 164.3).